Đại Nội Huế là một trong những điểm du lịch nổi tiếng nhất của Huế, thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước đến tham quan. Đại Nội được UNESCO công nhận là Di sản Văn hoá Thế giới từ năm 1993.
Đến với quần thể di tích Đại Nội Huế, du khách sẽ được chiêm ngưỡng hàng trăm công trình cung điện nguy nga tráng lệ. Trong đó có các đền đài, miếu thờ mang đặc trưng kiến trúc và dấu ấn phong kiến đặc sắc. Cùng Thuê xe Kha Trần khám phá Đại Nội Huế để hiểu hơn về chốn cung đình vàng son một thuở bạn nhé.
-
Mục lục
Lịch sử Đại Nội Huế
Cố đô Huế sở hữu vị trí địa lý vô cùng thuận lợi. Nằm hai bên hạ lưu sông Hương, phía Tây có dãy Trường Sơn bảo vệ, phía Đông giáp biển. Cảnh sắc hữu tình, sở hữu cả núi non, sông biển nên Huế đã sớm được chọn làm thủ phủ của triều Nguyễn. Sau khi vua Gia Long lên ngôi vào năm 1802, ông đã chọn Huế làm nơi đóng đô và xây dựng một quần thể kinh thành rộng lớn nhằm mục đích làm nơi họp hội, sinh hoạt của hoàng gia, quý tộc. Năm 1803, vua Gia Long đích thân đi khảo sát và chọn vị trí xây thành. Kết quả ông đã chọn vùng đất rộng thuộc bờ Bắc sông Hương sau nhiều lần cân nhắc, tính toán. Vùng đất ấy bao gồm các làng Phú Xuân, An Hòa, An Mỹ, An vân, Vạn xuân, Diễn Phái, An Bảo, Thế Lại…
Năm 1804, kinh thành Huế chính thức được khởi công với mặt chính hướng về núi Ngự Bình, hai bên kinh thành là cồn Hến và cồn Dã Viên, tạo thế tả thanh long và hữu bạch hổ, minh đường thủy tụ. Kinh thành này có quy mô rộng lên đến 520ha nên đã mất khoảng gần 30 năm mới hoàn thành dưới triều vua Minh Mạng.
2. Kiến trúc Đại Nội Huế
Đại Nội Huế là một công trình có quy mô lớn và đồ sộ nhất trong lịch sử Việt Nam. Nơi đây được xây dựng bởi hàng vạn người thi công, kéo dài đến hơn 30 năm mới hoàn thành. Cái tên Đại Nội Huế chính là tên gọi chung của Hoàng Thành và Tử Cấm Thành nhà Nguyễn.
Hoàng Thành Huế
Hoàng thành Huế là vòng thành thứ 2 bên trong Đại Nội Huế. Có chức năng bảo vệ các cung điện quan trọng nhất của triều đình nhà Nguyễn, các miếu thờ tổ tiên và bảo vệ Tử Cấm Thành Huế.
Lịch sử Hoàng thành Huế được xây dựng từ năm 1804 dưới thời vua Gia Long nhưng đến thời vua Minh Mạng mới hoàn chỉnh (năm 1833). Hoàng Thành được xây dựng trên một khu đất gần như vuông với mỗi cạnh dài khoảng 600m. Gồm khoảng 100 công trình lớn nhỏ kiến trúc bề thế, nổi bật như: Ngọ Môn, Điện Thái Hòa, Cung Diên Thọ, Cung Trường Sanh, Hưng Miếu, Thế Miếu, Triệu Miếu, Hiển Lâm Các, và Cửu Đỉnh…
Cửa chính của Hoàng Thành Huế là cửa Ngọ Môn quay mặt về hướng Nam. Ba cửa còn lại là cửa Hiển Nhơn (phía Đông), cửa Chương Đức (phía Tây) và cửa Hòa Bình (phía Bắc).
Các công trình bên trong Hoàng Thành Huế được xây dựng trên trục đối xứng theo nguyên tắc chung là tả nam hữu nữ và tả văn hữu võ tắc (tính từ trong ra), phần trung tâm là các hạng mục chỉ dành riêng cho vua. Điểm ấn tượng của các công trình này là được thiết kế hài hòa với thiên nhiên tạo thêm vẻ thanh thoát cho hình ảnh Hoàng thành Huế.
Phần lớn các cung điện đều có hồ nước, vườn hoa, cầu đá, các hòn non bộ và các loại cây lưu niên tỏa bóng mát quanh năm.
Tử Cấm Thành Huế
Tử Cấm Thành nằm trong lòng Hoàng Thành, có chu vi 324m×290,68m và cũng được xây dựng đối xứng qua trục chính, kéo dài từ Ngọ Môn đến lầu Tứ Phương Vô Sự. Tử Cấm Thành là vòng thành thứ 3 trong Đại Nội Huế. Là nơi cung cấm chỉ dành riêng cho vua và hoàng tộc được bảo vệ ngày đêm rất nghiêm ngặt, ngay cả quan lại nếu không phận sự hoặc không được vua gọi thì cũng ít khi lai vãng.
Diện tích Tử Cấm thành Huế là một hình chữ nhật có chu vi khoảng 1.229m, cũng được xây dựng đối xứng qua trục chính, kéo dài từ cửa Ngọ Môn đến lầu Tứ Phương Vô Sự. Tử Cấm Thành có 7 cửa, bao gồm hàng chục công trình kiến trúc lớn nhỏ. Trong đó, đáng chú ý nhất là điện Cần Chánh, nơi vua làm việc và thiết triều. Ngoài ra, còn có nhiều cung điện, lầu tạ khác phục vụ sức khỏe, ăn uống và giải trí của hoàng gia như Thượng Thiện (nơi nấu ăn cho vua), Duyệt Thị Ðường (nhà hát), Thái Bình Lâu (nơi vua đọc sách)… và một số hạng mục dành cho tín ngưỡng tâm linh. Có thể nói, Tử Cấm Thành như một tiểu vũ trụ của hoàng gia chứa đựng những bí mật có sức hút đặc biệt với giới nghiên cứu cũng như khách du lịch trong và ngoài nước.
3. Các hoạt động du lịch hấp dẫn ở Đại Nội Huế
Đến thăm quan Đại Nội Huế, bạn còn có thể tham gia đêm Hoàng cung được tổ chức định kỳ vào thứ Bảy hàng tuần và các sự kiện văn hóa đặc trưng, tái hiện nghi thức cung đình, nhất là trong kỳ Festival Huế hay dịp lễ Tết, như: lễ đổi gác, dựng nêu, biểu diễn Nhã nhạc cung đình Huế…Các nghi thức của cung đình xưa sẽ được tái hiện lại đầy chân thực và các hoạt động văn hóa nghệ thuật độc đáo cũng được diễn ra. Đây sẽ là một điểm nhấn vô cùng thú vị cho hành trình khám phá Đại Nội Huế của bạn!
4. Những thông tin liên quan du lịch Đại Nội Huế
– Giá vé tham quan Đại Nội Huế (bao gồm Bảo tàng cổ vật cung đình Huế): 120.000 vnđ/người/lượt (tại quầy, bạn có thể hỏi sơ đồ Đại Nội Huế, dịch vụ thuyết minh Đại Nội Huế, thuê xe điện tham quan bởi diện tích Đại Nội Huế khá rộng…).
– Giờ mở cửa Đại Nội Huế: từ 7h00 – 17h30 hàng ngày (Đại Nội Huế có mở cửa về đêm phục vụ du khách từ 22/4 – 15/9/2017, lúc 19h00 – 22h00 nhưng hiện nay hoạt động này đã tạm dừng)
– Địa chỉ Đại Nội Huế ở đâu: Đại Nội nằm ngay trunag tâm thành phố Huế. Cửa chính là Ngọ Môn, Kinh Thành Huế.
Có thể nói, trong lịch sử Việt Nam cận đại, Đại Nội Huế là công trình đồ sộ và quy mô nhất. Nó không chỉ biểu hiện cho sự phát triển của đất nước mà còn là kết tinh thẩm mỹ, kiến trúc, sự tài hoa và sáng tạo của con người. Đại Nội Huế là điểm du lịch Huế nổi tiếng không thể bỏ qua đối với mỗi du khách khi đến với Cố đô.
Xem thêm: Thuê xe du lịch Huế giá rẻ
[content_block id=16456 slug=info]