Đến Hội An vào đêm rằm hàng tháng – Trung thu đầy ý nghĩa bên Hội An
Phố cổ Hội An vốn nổi tiếng là “nơi thời gian ngưng lại” với những căn nhà, chùa miếu xưa cũ và giản dị, với đèn lồng, hoa đăng rực rỡ và kì ảo. Nhưng nếu chưa trải qua một đêm rằm Hội An, bạn sẽ chưa thể cảm nhận hết được vẻ đẹp huyển ảo và khác biệt của phố cổ này. Phố Hội đêm rằm tuy náo nhiệt bởi rất đông du khách cùng kéo đến, nhưng vẫn giữ được nhịp điệu từ tốn và thong thả rất riêng biệt của mình.
Ánh trăng và đèn lồng
Vào đêm rằm 14 Âm lịch hằng tháng, toàn bộ khu phố cổ Hội An sẽ tắt đèn và chỉ còn được chiếu sáng bởi mỗi ánh trăng rằm sáng rõ cùng với những dãy đèn lồng nối tiếp nhau. Không có những ngôi nhà cao tầng, không có trung tâm thương mại hay những bảng hiệu nhấp nháy ánh đèn, phố Hội vẫn giữ được nét đẹp cũ xưa và vẹn nguyên như trong quá khứ. Dù ở bất cứ nơi nào trong phố cổ cũng có thể dễ dàng nhìn thấy được mặt trăng chiếu sáng trên đầu. Đèn lồng Hội An từng dãy từng dãy nối tiếp nhau đủ màu sắc càng tăng thêm nét rực rỡ cho khu phố cổ. Cả khu phố cổ được bao bọc trong ánh sáng bàng bạc, tựa như một ốc đảo thần tiên tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Đứng trên Cầu Chùa (còn gọi là Cầu Nhật Bản hay Lai Viễn Kiều) nhìn ngắm khu phố cổ chìm trong ánh trăng và ánh sáng lấp lánh từ những chiếc đèn hoa đăng trên sông, chắc chắn bất cứ ai cũng đều thầm ước thời gian có thể thật sự ngưng lại, để có thể tận hưởng mãi vẻ đẹp huyền ảo của phố Hội.
Ánh trăng bao trùm lên khu phố cổ
Đèn lồng Hội An đủ sắc màu rực rỡ
- Dạo phố, tham quan những địa điểm nổi tiếng ở Hội An nhé
– Chùa Cầu (hay Cầu Nhật Bản): nằm ở đoạn tiếp giáp đường Nguyễn Thị Minh Khai và Trần Phú, mang kiểu kiến trúc đậm nét Việt nhưng lại có gốc tích Nhật Bản. Điểm đặc biệt của ngôi chùa này là không thờ Phật mà thờ Bắc Đế Trấn Võ – vị thần bảo hộ xứ sở, ban niềm vui và hạnh phúc cho con người. Đến Phố Hội mà không đến chùa Cầu đồng nghĩa với việc bạn chưa từng đi Phố Hội vì chùa Cầu là linh hồn, là biểu tượng tồn tại của người dân nơi đây hơn 4 thế kỷ qua.
– Nhà Cổ: chính là những ngôi nhà riêng của người dân bản địa có từ rất lâu đời cùng chung nét kiến trúc truyền thống độc nhất vô nhị với hình ống, mái ngói âm dương, đôi mắt cửa, tầng lầu thấp bé, trần nhà vỏ cua đã làm nên nét mộc mạc, bình dị và cổ kính cho Phố Hội. Nếu như bạn là tín đồ của thế giới đồ cổ, đam mê văn hóa Nho học cùng những di vật của lịch sử thì hãy đến với:
– Nhà cổ Quân Thắng: số 77 đường Trần Phú, là một trong những nhà cổ được đánh giá là đẹp nhất Hội An hiện nay, có niên đại hơn 150 năm mang phong cách kiến trúc vùng Hoa Hạ (Trung Hoa). Toàn bộ phần kiến trúc và điêu khắc gỗ rất sinh động, tinh tế của ngôi nhà này đều do các nghệ nhân làng mộc Kim Bồng – Hội An thực hiện và vẫn đang được bảo tồn khá nguyên trạng.
– Nhà cổ Tấn Ký: số 101 đường Nguyễn Thái Học, được xây dựng hơn 200 năm có sự kết hợp hài hòa của 3 nền kiến trúc Nhật, Hoa và Việt với đường nét chạm trổ tinh vi. Nhà được chia thành nhiều gian, không có cửa sổ nhưng không hề ngột ngạt nhờ sự thông thoáng ở mặt tiền, hậu và giếng trời. Có một cái hay là khi đến đây bạn sẽ được chiêm ngưỡng chén Khổng Tử. Giờ mở cửa: 8:00 – 12:00 và 13:30 – 17:30.
– Nhà cổ Phùng Hưng: số 4 đường Nguyễn Thị Minh Khai, xây dựng hơn 100 năm, gần giống nhà cổ Tấn Ký nhưng có kiến trúc Nhật Bản rõ nét hơn với 2 tầng, 3 nếp nhà và ngói âm dương được nối với nhau nhờ vữa hồ cùng mật mía. Đây còn là ngôi nhà từng được xếp hạng nhất ở Việt Nam như một kiểu mẫu về lối kiến trúc truyền thống có giá trị văn hóa cao (1985).
– Hội Quán và Nhà Thờ Tộc: đã tham quan nhà cổ rồi mà bạn không viếng thăm các hội quán và nhà thờ tộc sau ở Hội An thì sẽ không thật sự đồng bộ cho một cuộc tìm tòi về kiến trúc và văn hóa của đô thị cổ Hội An:
– Hội Quán Phúc Kiến: số 46 đường Trần Phú, tương truyền tiền thân là một ngôi miếu nhỏ thờ tượng Thiên Hậu Thánh Mẫu (1967) nhưng sau nhiều lần trùng tu, hội quán đã trở nên rực rỡ, khang trang với cách bày trí thờ phụng các hình nhân như 6 vị tiền hiền (lục tánh), bà mụ, thần tài… thể hiện sâu sắc triết lý Á Đông về hạnh phúc con người. Một cơ hội cho chúng ta tham gia vào nhiều hoạt động lễ hội thu hút tại đây nếu đi vào tháng 1 đến tháng 3 âm lịch.
– Hội Quán Triều Châu: số 157 đường Nguyễn Duy Hiệu, được Hoa Kiều Triều Châu xây dựng 1845 để thờ Phục Ba tướng quân Mã Viện – vị thần giỏi chế ngự sóng gió. Hội quán có giá trị đặc biệt về kết cấu kiến trúc bằng gỗ với những họa tiết được chạm trổ tinh xảo và những tác phẩm đắp nổi bằng sành sứ tuyệt đẹp.
– Nhà Thờ Tộc Trần: số 21 đường Lê Lợi, là một trong những điểm tham quan được nhiều du khách quan tâm, do một vị quan họ Trần xây dựng năm 1802 theo những nguyên tắc phong thủy truyền thống của người Trung Hoa và Việt .
++ Bảo tàng: hãy kết thúc cuộc tìm hiểu phố cổ của mình thật trọn vẹn bằng cách ghé qua các bảo tàng này một chút nha:
– Nhà Trưng Bày Gốm Sứ Mậu Dịch Hội An: nằm ở số 80 đường Trần Phú, đây cũng là một ngôi nhà cổ đẹp có trưng bày phần lớn các cổ vật được vớt lên năm 1993 từ xác tàu chở gốm làng Chu Đậu (Hải Dương ngày nay) xuất ngoại bị đắm vào 400 năm trước ngoài biển Hội An cùng một vài món đồ gốm của các nước buôn bán với Hội An qua từng thời kỳ lịch sử.
– Nhà Trưng Bày Văn Hóa Sa Huỳnh: cũng nằm trên đường Trần Phú ở số nhà 149, chuyên trưng bày các mộ chum, dụng cụ sắt, gốm, đồ trang sức của cư dân Văn hóa Sa Huỳnh vào giai đoạn cuối kèm theo đó là cả một kho tàng những phong tục tập quán khá phổ biến của nhiều dân tộc cổ vùng Đông Nam Á.
Những điểm vui chơi, tham quan ngoài Phố cổ không thể bỏ qua trong dịp về Hội An lần này.
– Bãi biển Cửa Đại: từ Hội An bạn đi thêm khoảng 4km là đến Cửa Đại, bãi biển đẹp nhất ở Quảng Nam với bờ cát dài xa tít, nước trong xanh, sóng xô nhẹ, vài rặng liễu buông mình xuống cát, hàng tre xanh vút trên trời cao. Một vẻ đẹp “trẻ trung, sống động và lãng mạn” đến mê hồn kèm theo nhiều loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn: tắm biển, thể thao nước, nghỉ dưỡng sẽ khiến bạn thêm xao xuyến với nơi đây
– Cù Lao Chàm: cách Hội An khoảng 30 km về phía Đông, là quần đảo gồm 8 đảo nhỏ nối sát nhau với những làng chài, bãi tắm thơ mộng, nhiều ghềnh đá, rạn san hô lấp lánh tạo nên những khu vườn thuỷ cung huyền ảo. Đặc biệt trên đảo có loài chim Yến quý hiếm cư ngụ. Đến với Cù Lao Chàm để được hoà mình trong biển cả, tìm hiểu cuộc sống dân dã của cư dân làng chài, chiêm ngưỡng vẻ đẹp quyến rũ của các địa danh mang nhiều huyền thoại như bãi Hương, bãi Làng, hang Bà, Âu thuyền, chùa Hải Tạng… hay chinh phục những ngọn đồi hùng vĩ, tham gia vào đêm lửa trại và thưởng thức các món ăn đặc sản rất nổi tiếng như cua đá, vú xao, vú nàng..
++ Các làng nghề truyền thống:
– Làng rau Trà Quế: cách trung tâm phố cổ Hội An khoảng 2km về phía đông bắc (thuộc thôn Trà Quế, xã Cẩm Hà, Hội An), là làng nghề nổi tiếng từ rất lâu với sản phẩm rau sạch, xanh và đủ mọi mùi vị thơm ngon khó tả. Đến đây, chúng ta sẽ được hướng dẫn để trở thành “nông dân một ngày” với các hoạt động cụ thể như cuốc đất, vun luống, bón phân, gieo hạt, trồng rau và chế biến món ăn từ rau… Một trải nghiệm thú vị cho những bạn suốt ngày làm việc với máy tính, với giấy tờ ngổn ngang hàng ngày 🙂
– Làng gốm Thanh Hà: cách khu phố cổ khoảng 2km về hướng Tây, nằm ngay bên dòng sông Thu Bồn thuộc xã Cẩm Hà – Hội An. Sản phẩm gốm nơi đây được làm hoàn toàn bằng đôi tay điêu luyện của người nghệ nhân và có nét đặc biệt là nhẹ hơn so với các sản phẩm cùng loại của những địa phương khác. Các bạn nên đến để tìm những nét khác biệt.
– Làng mộc Kim Bồng: nằm ở bên kia sông Hội An thuộc xã Cẩm Kim, là một làng nổi tiếng từ rất lâu đời với nghề trạm trổ, điêu khắc gỗ. Nếu như bạn phải trầm trồ, thán phục nét kiến trúc cổ của Hội An thì xin bật mí với bạn rằng tất cả những tác phẩm nghệ thuật chạm khắc tuyệt vời và hoàn hảo mà bạn từng trông thấy như ngôi nhà mái vòm. đền, chùa, cầu… đều được tạo nên từ đôi bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân làng mộc này biết bao đời nay!
- Các món ngon tại Hội An
++ Đặc sản:
Phố Hội không chỉ mang đến cho chúng ta những điều mới mẻ, gần gũi về cảnh quan mà còn mang đến cho chúng ta vô vàn món ăn phong phú, đa dạng và không tài nào cưỡng lại được như :
Mì Cao Lầu: là món ăn riêng ở Hội An với sợi mì làm từ bột gạo ngâm qua nước tro có màu vàng tự nhiên và nhân chủ yếu là thịt xá xíu trộn ít tép mỡ ăn kèm rau sống, xì dầu, tương ớt, hương vị không chê vào đâu được.
Cơm gà Phố Hội: là món ăn quá quen thuộc với nhiều người nhưng ở đây lại có cách chế biến và hương vị độc đáo riêng, bạn nên thử qua một lần nha.
Mì Quảng: món ăn được xem như là cái “hồn” nghệ thuật ẩm thực của vùng đất Quảng Nam nói chung và Phố cổ Hội An nói riêng, làm từ lá bánh tráng thái sợi, nhân mì thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt heo, thịt bò, cá lóc, cua… và có cả mì chay dành cho người hành đạo.
Các món hến Cẩm Nam: với cơm hến, hến xào xúc bánh đa, cháo hến, canh rau muống nấu hến,…vô cùng dân dã nhưng đậm đà hương vị.
Xôi Cua: là món ăn được làm nên từ sự hòa trộn cực kỳ ăn ý giữa nếp thơm, đậu xanh, thịt cua và gạch cua, có vị béo nhưng không ngán tý nào.
Chí Mà Phù: là một món ngọt (giống như chè, có màu đen) độc đáo khác xa những món ngọt thông thường vì sự kết hợp giữa mè đen với bột khoai, thanh địa, rau má, rau mơ, đường… Đây không chỉ là món ăn ngon mà còn là một “thang thuốc bổ”.
Bánh Bao và bánh Vạc: là hai loại bánh khác nhau nhưng lại có chung hình dáng nhỏ nhỏ, xinh xinh, màu trắng trông như những đoá hoa hồng đồng thời lại thường có mặt trong cùng một đĩa bánh và chung một loại nước chấm rất đặc biệt.
Bánh Su Sê: còn gọi là bánh phu thê, có màu vàng nhạt, dẻo, vị ngọt và thơm. Đặc biệt khi mua hoặc ăn bánh bạn nên hỏi về sự tích gắn liền với món bánh này sẽ thú vị hơn nhiều.
Bánh tráng đập Cẩm Nam: khá lạ và ngộ nghĩnh với 2 lớp bánh mỏng dính bằng gạo, một thì đem phơi khô và một thì để ướt như mì lá. Bánh khô đem nướng lên, sau đó trải bánh ướt lên trên, quẹt một lớp dầu phi hành gập đôi lại, đập cho dập, đem chấm với nước mắm cái đã pha hành phi, ớt… Cắn một miếng bánh đập dập, thấy được đủ hương vị cay, ngọt, giòn mềm…
Ngoài ra còn có bánh ú tro, bánh lăn, bê thui Cầu Mống, hoành thánh, cháo cá cu, chè bắp Cẩm Nam, bánh bèo,
++ Những quán ăn ngon:
Có nhiều vô số kể các hàng quán trên mọi nẻo đường phố cổ nhưng phần lớn là bán cho khách nước ngoài nên cách nêm nếm không mặn mà cho lắm. Tuy nhiên, bạn đừng lo lắng vì có một số quán ăn sau sẽ không làm bạn thất vọng (nhưng lưu ý chút là bạn đừng ăn quá khuya nha sẽ không còn gì đâu vì xứ sở hiền hòa này người dân hay đi ngủ sớm lắm):
Quán Bà Bé: ngay trước chợ, trên lề đường Trần Phú với món Cao Lầu ngon nổi tiếng và chỉ bắt đầu bán từ hai giờ chiều
Quán Bà Buội: số 26 đường Phan Chu Trinh, chuyên về món cơm gà luộc Quảng Nam. Quán tuy đơn sơ nhưng bàn ghế lúc nào cũng sạch sẽ và phục vụ ân cần.
Dãy quán ven sông: đi qua cầu Cẩm Nam chừng 500m, đây là các quán nhỏ chuyên về món bánh tráng đập, hến trộn, chè bắp,..
Nhà hàng Dũng: số 38 đường Phan Chu Trinh, có món thịt heo luộc cuốn bánh tráng, cơm gà, mực hấp, nem nướng, bánh bao bánh vạc,…. Giá cả khá bình dân.
Nhà hàng Phố Hội 2: ở thôn 1, xã Cẩm Nam – Hội An – Quảng Nam, có không gian thoáng mát rộng rãi với khung cảnh trữ tình và chuyên phục vụ các món ăn đặc sản Hội An (Giá trung bình từ 15.000 – 35.000đ/món).
Nhà hàng Vạn Lộc: số 27 đường Trần Phú, Hội An, Quảng Nam, là một trong những nhà hàng có tuổi thọ lâu năm nhất. Phục vụ hầu hết các món đặc sản của Hội An như: cao lầu, bánh vạc (white rose), bánh bao, hoành thánh, cơm gà…
Nhà hàng Vĩnh Hưng: số 147 đường Trần Phú, Hội An, Quảng Nam, nằm ngay góc của một ngã tư đông đúc, không gian rộng rãi, thoáng mát. Nhà hàng còn có chương trình buffet sáng mỗi ngày với giá chỉ 2.5$/người, rất tiện lợi.
Nhà hàng Before And Now: nằm ở 51 đường Lê Lợi, Hội An, Quảng Nam. Đây là nhà hàng mang phong cách Ý với nhiều món ăn mang đậm hương vị của Ý và các món ăn Việt. Nhà không rộng lắm nhưng có hơn 100 món ăn đầy đủ hương vị khác nhau và có một quán bar nhỏ (Giá trung bình từ 30.000 – 90.000đ/món và phục vụ từ 9:00 – 23:00)
Mua sắm
Chắc bạn không thể ngờ rằng Quảng Nam có hơn 60 làng nghề mà tất cả những sản phẩm được làm từ các làng nghề như gốm, lụa, lồng đèn, tò he, đặc sản,….đều được quy tụ đông đủ và tập trung bày bán trong “hằng hà sa số” các cửa hiệu, gian hàng quà lưu niệm tại Phố Hội (trung tâm của tỉnh Quảng Nam) nên tha hồ cho bạn shopping tưng bừng thoả thích. Điển hình như:
+ Cửa tiệm Ngọc Thu – 109 đường Trần Phú – Hội An
+ Cửa tiệm Trần Phú – 65 đường Trần Phú – Hội An
→ Chuyên bán những chiếc lồng đèn xinh xắn, hoàn toàn được làm bằng tay rất khéo léo (mức giá tham khảo: đèn nhỏ 5.000đ/chiếc, đèn to 15.000 – 50.000đ/chiếc)
+ Cửa hàng Foco – 128 đường Trần Phú – Hội An
+ Cửa hành Âu Lạc – 152 đường Trần Phú – Hội An
+ Xưởng Kim Bồng – xã Cẩm Kim – Hội An
+ Xưởng Hội An – 09 đường Nguyễn Thái Học – Hội An
+ Cửa hàng Phan Kim Chi – 37 đường Lê Lợi – Hội An
+ Cửa hàng Xứ Quảng Hội An – 23 đường Nguyễn Thái Học – Hội An
→ Chuyên bán các món quà lưu niệm, gỗ nghệ thuật, vật dụng bằng mộc, các sản phẩm thủ công mỹ nghệ, tranh nghệ thuật, tranh thêu,…
+ Thu Thủy Silk – 60 đường Lê Lợi – Hội An
+ Cửa hiệu New World – 70 đường Nguyễn Thái Học – Hội An
+ Cửa hiệu Blue – 65 đường Trần Hưng Đạo – Hội An
+ Giày Việt Silk – 635 đường Hai Bà Trưng – Hội An
+ Shop Sành Điệu – 62 đường Phan Bội Châu – Hội An
→ Chuyên bán các loại vải vóc, tơ lụa, gấm,…cùng một số quần áo thời trang. Tất cả đều được dệt và may từ đôi bàn tay tài hoa của chính người dân nơi đây nên vô cùng đẹp.
+ Nhà số 62 đường Lê Lợi hay Nhà số 27 đường Trần Phú: bán bánh in, bánh đậu xanh khô và ướt. Đối diện là nhà số 31 đường Lê Lợi bán bánh ít gai
+ Nhà số 41 đường Nguyễn Thái Học: có 5 đời làm và bán tương ớt Triều Phát, loại tương ớt cay vừa phải và thơm
+ Lò bánh bao bánh vạc: số 51 đường Nhị Trưng. Bạn có thể ăn tại chỗ hay mua đem về tùy thích.
Xem biểu diễn nghệ thuật: không còn gì tuyệt vời bằng khi bạn hòa mình vào không gian âm nhạc cổ truyền đầy màu sắc của phố cổ tại:
– Nhà cổ Phi Yến: số 9 Nguyễn Thái Học, nơi thường xuyên biểu diễn các trích đoạn tuồng cổ, nhạc cổ truyền, dân ca,… Mỗi ngày 2 xuất: 10 giờ sáng và 3 giờ chiều.
– Bến Bạch Đằng: là nơi mà hằng đêm đều có thuyền văn hóa chở khách đi chơi trên sông và tấu nhạc dân tộc, hò Quảng.
Vé tham quan 1 số điểm
– Trên mọi tuyến đường vào khu phố cổ đều có trạm bán vé và hướng dẫn. Từng vé tham quan có 5 ô gồm: bảo tàng, nhà cổ, hội quán, xưởng sản xuất mỹ nghệ và các điểm khác như chùa Cầu, chùa Ông,… Mỗi ô như thế có từ 2 đến 4 điểm cho bạn chọn kèm theo một lần xem biểu diễn nhạc dân tộc.