Là vùng đất Kinh đô cổ, mang trong mình nhiều giá trị văn hóa – lịch sử to lớn. Cố đô Huế xứng đáng là điểm tham quan bậc nhất miền Trung. Bên cạnh những di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh thì Huế còn có rất nhiều làng nghề nổi tiếng. Để biết rõ hơn về những làng nghề truyền thống tại Huế, hãy cùng Xe Du Lịch Huế tìm hiểu bài viết ngày hôm nay!
Mục lục
- Các làng nghề truyền thống tại Huế
- Làng nghề Nón lá Huế
- Làng nghề đan lát Bao La
- Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên
- Làng nghề Đúc Đồng truyền thống Huế
- Làng nghề gốm Phước Tích
- Làng Sình – làng nghề truyền thống tại Huế
- Liễn làng Chuồn
- Làng Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên
- Làng thếp vàng, sơn mài Tiên Nộn
- Làng Kim hoàn Kế Môn
Các làng nghề truyền thống tại Huế
Làng nghề Nón lá Huế
Hình ảnh chiếc Nón lá bài thơ cùng cô nữ sinh Huế trong tà áo dài trắng chắc hẳn là rất quen thuộc với chúng ta. Chiếc nón bài thơ không phải tự nhiên trở thành biểu tượng của Huế mà một phần cũng là do bàn tay khéo léo của những nghệ nhân đan nón. Nghề làm nón lá xuất hiện từ hàng trăm năm nước và trở thành làng nghề truyền thống tại Huế. Có rất nhiều làng nghề nón lá như: làng Kim Long, Phú Cam, làng nón Tây Hồ, Đốc Sơ,… Ngày nay, nón lá Huế chủ yếu làm quà lưu niệm cho khách du lịch nên được chú trọng về chất lượng và đa dạng mẫu mã. Để có được chiếc nón lá ưng ý, nghệ nhân phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ khâu chọn khung, đến uốn vành, lợp lá, làm hoa văn, chằm nón,… tất cả đều được thao tác rất kỹ càng và tỉ mỉ. Nón lá Huế không chỉ đơn thuần là chiếc nón mà còn là một tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt.
Làng nghề đan lát Bao La
Làng nghề Bao La là một trong những làng nghề truyền thống tại Huế. Làng thuộc địa phận xã Quảng Phú, huyện Quảng Điền, cách trung tâm thành phố Huế 15km. Làng nghề này chuyên sản xuất các vật dụng từ việc đan lát như: đan rổ, rá, nôi trẻ em, chỏng tre, bàn, ghế, giường,… Hầu hết vật liệu đều làm từ mây tre nên giá thành khá rẻ, dễ sử dụng. Ngày nay, nhu cầu thị trường ngày càng lớn và các loại hàng hóa, sản phẩm càng lúc càng đa dạng. Các sản phẩm làm từ mây tre không còn được ưa chuộng như trước nhưng vẫn giữ một vị trí an toàn trong lòng khách hàng. Hơn thế nữa, sản phẩm mây tre đan Bao La Huế luôn rất bền bỉ và đẹp mắt do bàn tay khéo léo của những nghệ nhân tạo ra.
Làng nghề hoa giấy Thanh Tiên
Làng nghề Thanh Tiên thuộc xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, làng có lịch sử phát triển lâu đời từ thế kỷ thứ 16. Ban đầu, hoa giấy chủ yếu để phục vụ thờ cúng, và phục vụ các dịp lễ hội trong làng. Dần dần sản phẩm hoa giấy Thanh Tiên được ưa chuộng bởi sự đẹp mắt, nhiều màu sắc, hình dáng, mẫu mã nên nghề làm hoa giấy cũng nhanh chóng phát triển. Các loại hoa giấy trông rất bắt mắt, đặc sắc nhất là hoa sen giấy giống thật từ kích cỡ, hình dáng đến màu sắc. Ngoài ra còn có các loại hoa khác như hoa bìm bìm, hoa cúc, hoa tường vi,… Mặc dù nghề làm hoa sen giấy dần bị mai một và bị chèn ép bởi nhiều ngành nghề khác. Tuy nhiên, nhờ sự tài hoa của nghệ nhân Thân Văn Huy mà làng hoa giấy Thanh Tiên dần có chỗ đứng trên thị trường trong nước và quốc tế, nghề làm hoa giấy cũng khởi sắc hơn trong những năm gần đây.
Làng nghề Đúc Đồng truyền thống Huế
Nghề đúc đồng ở Huế đã có từ dưới thời Chúa Nguyễn và duy trì đến hiện nay. Làng Đúc Đồng (hay còn gọi với cái tên quen thuộc là Phường Đúc) tọa lạc tại phường Thủy Xuân, thành phố Huế. Từ xưa đến nay, đã có không ít các tác phẩm nổi tiếng được làm từ bàn tay của các nghệ nhân Phường Đúc, trong đó phải kể đến: Cửu Vị Thần Công (đặt trước Ngọ Môn Huế), Chuông chùa Diệu Đế, Đại Hồng Chung tại chùa Thiên Mụ, Vạc Đồng tại Đại Nội,… Hiện nay, các tác phẩm làm bằng đồng tại Phường Đúc chủ yếu phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, trang trí của người dân. Các tác phẩm tạo ra vừa đa dạng mẫu mã, hiện đại song cũng mang hơi thở cổ điển, giữ được những họa tiết đặc trưng.
Làng nghề gốm Phước Tích
Nghề làm gốm Phước Tích là làng nghề truyền thống tại Huế lâu đời nhất. Làng Phước Tích có tuổi thọ đến 500 năm tuổi. Dưới thời vua Minh Mạng đến thời vua Khải Định, hằng tháng làng gốm Phước Tích luôn phải dâng nộp triều đình 30 chiếc “om ngự” (dùng để làm nồi nấu cơm). Ngôi làng này vốn dĩ không có sẵn tài nguyên, vật liệu nhưng nhờ nhận được đặc ân nên có thể đi khai thác vật liệu ở nhiều nơi đem về. Gốm Phước Tích bền bỉ, hoa văn đẹp mắt, nổi bật nhất là các chum, thạp, niêu (om), tu huýt (còi),… Sản phẩm gốm Phước Tích được người tiêu dùng khắp mọi nơi ưa chuộng và tin dùng.
Làng Sình – làng nghề truyền thống tại Huế
Làng Sình thuộc địa phận xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế. Tranh làng Sình có thể chia làm 3 loại tranh:
- Tranh nhân vật: chủ yếu là tranh tượng bà gồm một người ở giữa mặc xiêm y rực rỡ có 2 tì nữ đứng hai bên. Có loại tranh khác vẽ hình đàn ông/ đàn bà hoặc vẽ bé trai/ bé gái. Ngoài ra còn có loại tranh ông Điệu, tranh ông Đống, tranh Tờ bếp (vẽ Táo Quân).
- Tranh đồ vật: Gồm các vật dụng thường ngày như các loại áo, tiền, đồ dùng gia đình, vũ khí,… dùng để đốt cho người cõi âm.
- Tranh súc vật: Gồm có các loại gia súc, 12 con giáp, các con vật linh thiêng như cọp, voi.
Liễn làng Chuồn
Tương truyền rằng làng Chuồn có nhiều người đỗ đạt cao, làm chức quan to ở trong triều. Nhờ đó mà làng có điều kiện để hình thành và phát triển nghề làm liễn. Rất nhiều gia đình tại làng Chuồn biết làm liễn. Vào những tháng gần Tết thì người trong làng thường hay in bông hoa, câu chúc, câu đối để tặng cho nhau hoặc nhằm mục đích kinh doanh. Liễn thường được treo trên các cột trụ lớn hay các vị trí đẹp mắt trong nhà vừa để trang trí vừa thể hiện sự am hiểu rộng rãi người chủ nhà.
Làng Điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên
Nghề điêu khắc gỗ Mỹ Xuyên được hình thành từ giữa thế kỷ thứ 19. Các nghệ nhân tại làng truyền dạy cho nhau kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng điêu khắc. Sản phẩm mỹ nghệ Mỹ Xuyên đẹp mắt, tinh xảo lại rất phong phú và đa dạng. Các sản phẩm điêu khắc có nhiều hình dạng khác nhau như hình thú vật, linh thú như rồng, phượng, hổ, ngựa,… Tượng các vị Phật, Phúc – Lộc – Thọ, tượng Di Lặc,.. Chạm khắc trên gỗ kì công với nhiều kỹ thuật như chạm nổi, chạm chìm, chạm sâu, chạm cạn, khảm gỗ,… Sản phẩm điêu khắc từ gỗ của làng Mỹ Xuyên nhiều lần giành được huy chương vàng, bạc từ các cuộc triển lãm lớn trên toàn quốc. Chính vì vậy mà tên tuổi và vị thế của làng này vẫn được duy trì một cách vững chắc.
Làng thếp vàng, sơn mài Tiên Nộn
Kỹ thuật sơn mài, thếp vàng vốn xuất phát từ cung đình ngày xưa. Do nhu cầu trang trí, sử dụng các vật dụng quý phái, sang trọng nên nghề thếp vàng, sơn mài dần được phát triển. Nhờ đó mà làng thếp vàng, sơn mài Tiên Nộn ra đời, trở thành làng nghề truyền thống tại Huế. Kỹ thuật sơn mài truyền thống tại Huế được chia thành 3 loại: sơn quang, sơn mài đắp nổi và sơn son thếp vàng. Ngày nay nghề này không còn được chú trọng kế thừa như xưa nhưng vẫn còn được xem là một môn học nghệ thuật (tại trường Đại học Nghệ thuật Huế).
Làng Kim hoàn Kế Môn
Làng Kim hoàn Kế Môn thuộc địa phận xã Điều Môn, Huyện Phong Điền, cách trung tâm thành phố Huế tầm 40km. Nghề làm kim hoàn ở làng Kế Môn được chia ra thành ba ngành rõ ràng:
- Ngành trơn: Tạo ra các sản phẩm, trang sức đơn giản, không chạm trổ nhiều
- Nghành đậu: Tạo ra các loại hoa văn để gán lên sản phẩm
- Ngành chạm: Tạo ra các hoa văn, các hình với đường nét phức tạp
Sản phẩm kim hoàn tại làng được đánh giá là rất đẹp mắt, kỹ thuật tinh xảo, không quá đơn giản nhưng cũng không cầu kì. Các loại trang sức như nhẫn, lắc, dây chuyền, kiềng rất được các chị em yêu thích.
Các làng nghề truyền thống tại Huế mang trong mình giá trị to lớn. Những sản phẩm thủ công mỹ nghệ đã phần nào minh chứng cho nét đẹp tinh hoa của mảnh đất và con người Cố đô. Hãy đến với Huế một lần để chiêm ngưỡng nét đẹp mộng mơ của cảnh sắc thiên nhiên xứ Huế. Để chứng kiến bề dày lịch sử – văn hóa của đất kinh kì xưa nay. Xe Du Lịch Huế hy vọng rằng bài viết này sẽ thực sự hữu ích đối với bạn. Mọi thắc mắc về tour làng nghề Huế, dịch vụ thuê xe Huế hãy gọi ngay Hotline: 036 447 6789 để được tứ vấn chi tiết nhất!